Cơn sốt gây chú ý mang tên “Phật Hệ” (佛系 /fó xì/) xuất hiện ngày càng nhiều và trở thành một hiện tượng mạng xã hội đối với giới trẻ Trung Quốc. Hiểu một cách nôm na, đây là lối sống để chỉ: “Thế này cũng được, thế kia cũng xong, không mong cầu, không tranh cướp, xem nhẹ tất thảy, vạn sự tùy duyên.” Theo một số người, đây là cách sống mang lại sự yên bình trong tâm hồn của mình. Tuy nhiên, ngược lại với những người khác, đó là sự buông thả, thiếu trách nhiệm với cuộc sống.
Nguồn Gốc Của Hiện Tượng “Phật Hệ”
Khái niệm “Phật Hệ” xuất hiện từ một bài báo Nhật Bản khi nhắc đến những “chàng trai Phật hệ” – những người chỉ quan tâm đến sở thích cá nhân, không thích yêu đương, và cảm thấy bị phiền hà khi phải quan tâm đến người khác. Chính vì vậy, khái niệm này nhanh chóng được đề cập trên các trang mạng xã hội của Trung Quốc, ám chỉ trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: yêu đương kiểu Phật hệ, nhân viên Phật hệ, người bán hàng Phật hệ, và nhiều biến thể thú vị khác.
Một Số Ví Dụ Liên Quan Đến “Phật Hệ”
- “Du lịch Phật hệ”: chỉ những người đi đâu cũng được, ăn gì cũng xong, không quá quan trọng tiểu tiết (giống khái niệm “phượt” ở Việt Nam).
- “Nhân viên Phật hệ”: mô tả người chỉ mong muốn đi làm bình yên, không tranh giành vị trí, chỉ cần kết thúc công việc một cách lặng lẽ.
- “Học sinh Phật hệ”: không quan trọng chuyện học hành, nếu vượt qua được kỳ thi là “duyên”, rớt môn cũng là “mệnh”.
Hiện Tượng “Phật Hệ” Liệu Có Đúng?
Điều đáng chú ý là, mặc dù mang tên “Phật”, nhưng lối sống “Phật hệ” hoàn toàn không liên quan đến tôn giáo. Nó đơn giản chỉ là một biểu tượng của sự buông bỏ, chấp nhận cuộc sống với thái độ hờ hững và mong muốn sự bình yên đối với mình. Những người trẻ theo “Phật hệ” thường trong cuộc sống không có hoài bão lớn, không ganh đua, và dễ dàng chấp nhận mọi thứ diễn ra xung quanh mình, từ thành công đến thất bại. Họ hay nói những câu như “Sao cũng được”, “Không vấn đề gì”, hay “Chẳng sao cả”, phản ánh thái độ sống thờ ơ trước những khó khăn, thách thức.
Một trong những đặc điểm cụ thể và thường thấy nhất của giới trẻ theo “Phật hệ” là sự lựa chọn độc thân. Đối với họ, khi bước vào một mối quan hệ sẽ mất nhiều thời gian, và họ không thích dựa dẫm vào yêu đương để đạt được mục tiêu. Bằng cách khác, họ chọn lối sống độc lập, không phụ thuộc vào ai, tránh xa những rắc rối xã hội, không kết hôn, không sinh con và sống lặng lẽ theo ý muốn của mình.
Mặc dù, hiện tượng “Phật hệ” chỉ cách sống hướng đến sự yên bình trong tâm hồn, nhưng cũng khiến nhiều người lo ngại. Vì điều này được xem như một biểu hiện tiêu cực khi một số bộ phận thanh niên Trung Quốc chọn cách “tự đào thải” khỏi xã hội. Thay vì chọn đối mặt với những thách thức luôn thường trực, họ chấp nhận sống trong thế giới riêng, mặc kệ mọi thứ xảy ra xung quanh với triết lý “Sao cũng được”.
Bên cạnh đó, xu hướng này cũng đang phản ánh đến một phần áp lực trong cuộc sống hiện đại, khi giới trẻ cảm thấy bị quá tải bởi những yêu cầu và sự kỳ vọng từ xã hội. Nhưng việc chọn cách sống “Phật hệ” liệu có thực sự mang lại bình yên, hay chỉ là cách để chạy trốn hiện thực? Đó vẫn là câu hỏi được nhiều người đặt ra trong bối cảnh xã hội Trung Quốc và thậm chí trên toàn thế giới.
Thông Tin Liên Hệ Ngoại Ngữ Hạo Hoa
Website: https://tiengtrungbienhoahhz.com/
Email: Ngoainguhaohoahhz@gmail.com
Địa chỉ: 253 Đ. Phạm Văn Thuận, Kp 2, Biên Hòa, Đồng Nai
Số điện thoại: 0963.179.848